Mình không giỏi phân tích, không giỏi bình luận, những gì tác giả muốn truyền tải trong một quyển sách, mình có khi hiểu có khi không. Nhưng mình muốn viết, chỉ đơn thuần để lưu giữ những cảm xúc chân thành nhất của mình. Vì mình yêu văn, yêu đến tận cùng của trái tim, của tâm hồn.
--o0o--
[07/11/2014]
[Cô gái văn chương tập 4]
Sau này thì, Omi liệu có thể tiếp tục hát không? Mình thật sự rất muốn biết.
Thật ra, khi đọc đoạn đầu tập này, mình đã rất thích thầy Mariya, mình thích những người có thể sống một cách thoải mái và mỉm cười thật dịu dàng như vậy. Mình không giống Inoue, nhưng có lẽ, ai cũng có cho mình những muộn phiền riêng, dù họ có nhận thức được điều đó hay không. Vậy nên, có thể sống một cách bình yên như thế thật tốt.
Dường như, niềm tin đổ vỡ khiến mình không thể chấp nhận nổi thầy Mariya sau này, khi lớp mặt nạ bình thản của thầy ấy rơi ra và con người thật đầy ganh ghét, đố kị và điên cuồng lộ rõ trên mặt giấy. Mình hiểu cảm xúc của Inoue và Shouko - những người đã ngưỡng mộ Mariya rất nhiều - khi ấy.
Về phần Omi, mình đi từ không thích đến thương cảm, và cuối cùng là đau lòng. Nói đúng hơn, là có chút gì đó như tiếc nuối. Mình không nghe cậu ấy hát, nhưng có thể tưởng tượng ra được giọng hát trong vắt, ngân vang và làm lòng người rung động của thiên thần. Thiên thần rất tự do, nhưng vì cái tự do ấy, lại thấy thiên thần thật quá cô độc.
Một ngày nào đó, liệu Omi có tìm được một người có thể chìa bàn tay cho cậu ấy nắm lấy, xoa dịu nỗi cô đơn và sự hoang mang bao trùm lấy trái tim cậu ấy, như Tooko đã làm với Inoue?
Mình muốn biết.
Mình không dùng từ thích để nói về Omi hay thầy Mariya, mà là thương cảm, hay có một chút nhỏ đồng cảm nữa.
Và Yuuka, cô gái ấy, thật sự rất đáng thương, nhưng cũng thật sự rất hạnh phúc. Mình không hình dung được khuôn mặt của Yuuka, nhưng mình lại có thể thấy nụ cười sáng ngần thuần khiết của cô ấy, và nụ cười khi cô ấy nằm trong vòng tay Omi, trong đêm Giáng Sinh, nghe bài thánh ca tưởng như đã không còn có thể cất lên nữa của thiên thần. Cô ấy hạnh phúc. Những gì mình có thể thấy ở Yuuka đều là những mảng màu vui vẻ, tràn ngập ánh sáng và sắc màu của niềm tin, của hạnh phúc, những âm thanh ngọt ngào và êm dịu của một bản thánh ca xướng lên vào những đêm Noel ấm áp. Trong mát mình, Yuuka không hề vướng một chút bụi nào của đau khổ, dẫu cho cô ấy có mang trên mình thân phận của một Trà Hoa, làm những việc dơ bẩn để kiếm tiền.
Đẹp đẽ nhất trong câu chuyện ấy, không phải vẻ bình lặng của Mariya đằng sau làn khói mỏng của ly trà sữa Ấn Độ ngọt ngào, cũng không phải giọng nữ soprano cao vút của Omi, mà là Yuuka. Tất cả ở Yuuka.
Câu chuyện không có một kết thúc viên mãn, nhưng lại để lại trong lòng độc giả một lời cầu nguyện, cầu nguyện cho Yuuka, cho thiên thần, cho Kotobuki, cho thầy Mariya, chị Shouko, và cho cả Inoue nữa.
Ah, nói chung là, mình thật sự rất thích ~
[Cô gái văn chương tập 5]
Mình thật sự rất thích Cô gái văn chương, thích từng nhân vật, từng câu chuyện bên trong ấy. Thích nhũng cảm xúc của họ, những đau khổ dằn vặt, những bóng tối trong trái tim họ, cũng như những hạnh phúc nhỏ nhoi, mong manh nhưng lại toả ra thứ ánh sáng đẹp đẽ đến đau lòng.
Nó giống như, nhìn thấy bản thân mình bên trong họ. Lấy một chút của người này, một chút của người kia, chắp vá lại, sẽ trở nên chính mình.
Vậy nên, khi lướt mắt đọc theo từng con chữ in trên trang giấy trắng phau của quyển sách, mình không thể ngăn bản thân không cảm thấy đau lòng.
Nói ra, không hiểu vì lí do gì, ngay khi đọc chỉ mới đến nửa tập truyện, mình lại có suy nghĩ, thật ra Miu mới chính là Giovanni, và Konoha chính là Campanella. Dẫu cho trong mắt Konoha, Miu có mạnh mẽ, toả sáng, đẹp đẽ như một vĩ nhân đi nữa, dẫu cho Konoha có bị cuốn vào thế giới của Miu đến đâu đi nữa, mình vẫn thấy, Konoha mới chính là người nhận được sự ngưỡng mộ, mới là người có thể làm được mọi thứ, có được mọi thứ, và mỉm cười thật sáng lạng như Campanella.
Miu là một người lữ hành cô độc, đi trên con đường do chính mình tạo ra, song song với những con đường của người khác, nhìn thấy họ, nghe thấy họ, nhưng con đường của cô ấy với họ, mãi mãi chẳng thể giao nhau được. Chỉ có Konoha, một đứa trẻ thuần khiết với tâm hồn không chút vẩn đục và nụ cười rạng rỡ như ánh mặt trời, thản nhiên bước vào con đường của Miu, thế giới của Miu, yêu thương cô ấy, và đồng thời cũng tàn phá tất cả.
Miu là một kẻ ích kỉ.
Cô ấy rất ích kỉ, ích kỉ vô cùng, ích kỉ đến mức có thể làm tổn thương Konoha chỉ để giữ cậu ấy cho riêng mình.
Và cô ấy thật sự rất cô đơn.
Miu chẳng có gì cả, tất cả những thứ cô ấy sở hữu là trí tưởng tượng của riêng mình về một thế giới không ai nhìn thấy, không ai cảm nhận được. Cô ấy bị đẩy qua ra khỏi vòng tròn của họ, vậy nên, cô ấy tự vẽ cho mình một vòng tròn khác, chỉ cho phép một mình cô ấy đứng vào. Vì vậy, khi Konoha đến, Miu đã hoảng loạn. Cô ấy rối loạn trước sự hạnh phúc khi có một ai đó đến bên mình và cùng mình xua tan đi cái sự cô đơn, nhưng đồng thời cũng sợ hãi sự có mặt của Konoha sẽ tàn phá thế giới của cô ấy, để rồi, khi nó chẳng còn lại gì cả, cậu ấy sẽ lại rời đi, bỏ Miu một mình trong cái bóng tối của cô đơn và tuyệt vọng.
Khi Miu nhận ra sự sợ hãi của cô ấy đang dần trở thành hiện thực, cô ấy bắt đầu trở nên điên cuồng. Trong lòng Miu, có khi, Konoha giống như một Đấng cứu thế. Miu ghen tị với Konoha, nhưng đồng thời cũng rất cần cậu ấy. Cái cách Miu bày mọi cách chỉ để giữ Konoha bên mình, thậm chí bảo Konoha là chó của cô ấy, suy cho cùng, đều xuất phát từ cái sự quá cô đơn của Miu mà thôi.
Miu không thể rời bỏ Konoha, giống như Konoha không thể xoá tan hình ảnh của Miu ra khỏi đầu mình.
Với Konoha, Miu giống như một nỗi ám ảnh nhiều hơn tình yêu. Konoha tôn sùng Miu, xem cô ấy như một vị thần. Cậu bỏ ngoài tai, vờ như không thấy, không biết những điều xấu xa mà Miu đã làm, vì sự sùng kính của cậu ấy dành cho Miu, sự sùng kính chân thật và thuần khiết nhất.
Mình biết cảm giác đó, rằng khi quá yêu một người nào đó, có khi, ta sẽ bất chấp tất cả những sai lầm xấu xa độc ác ích kỉ tàn nhẫn của người đó, dể mà tiếp tục yêu thương.
Con người, bản chất vô cùng cố chấp.
Bất cứ ai sống trên đời đều tồn tại trong mình một thứ gọi là chấp niệm, và sẽ bám víu vào cái chấp niệm ấy để hình thành nên niềm tin, để rồi tin tưởng, để rồi sống, dẫu cho điều đó có làm tổn thương người khác. Chỉ là, đến hàng ngàn hàng vạn năm nữa, dù có dùng bao nhiều lời lẽ để bào chữa, tôn vinh hành động của mình, con người, bản năng luôn là sống vì mình trước tiên. Vì không muốn bản thân đau khổ, nên chọn cách làm đau người khác, nên mới giả câm giả điếc, giả như không hay, để rồi khi sự thật hiển hiện trước mắt rõ ràng đến không còn cách phủ nhận, sẽ tuyệt vọng đến thế nào?
Miu cũng thế, Konoha cũng thế, hay Kotobuki, Kazushi, Takeda,… tất cả đều thế. Ai cũng có cho mình một nguyện ước riêng, một chấp niệm riêng.
Bên trong cái câu chuyện bi thương đến xé lòng đó, lại ẩn hiện một cái gì dó rất dịu dàng, rất ấm áp, đến mức nhìn vào, bất giác cảm thấy nước mắt nóng hổi tự lúc nào tuôn rơi. Cái sự thống khổ cùng cực của cả hai và sắc màu tươi sáng đến nhức mắt của bầu trời xanh tràn ngập trong kí ức của Konoha về Miu đó, hoà quyện lại với nhau, tạo nên một bức tranh mang cả bi ai và hạnh phúc.
Chúng ta đều có những nguyện ước, vậy nên, hãy nhìn ra nguyện ước của chính mình, và nguyện ước của người mình yêu thương. Như thế, biết đâu, sẽ không ai phải làm tổn thương người kia, tổn thương chính mình nữa.
Như thế, biết đâu, sẽ tốt hơn?
AnkhSat Nov 08, 2014 5:56 pm